Tọa lạc tại “kinh đô ẩm thực thế giới mới” Tokyo, cách Sensoji – ngôi chùa cổ nhất thủ đô Nhật Bản một quãng đi bộ ngắn, nhà hàng truyền thống vô cùng nổi tiếng – Onigiri Asakusa Yadoroku luôn là lựa chọn hàng đầu của thực khách khi ghé thăm thiên đường ẩm thực này, theo CNN.
Onigiri Asakusa Yadoroku là nhà hàng bán onigiri lâu đời nhất của Tokyo khi mở cửa đón khách từ năm 1954. Onigiri chính là món cơm nắm gói rong biển với nhân như cá muối, rau củ muối hoặc tôm khô…
Yosuke Miura, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của nhà hàng gia truyền này, cho biết: “Lý do gia đình tôi bắt đầu công việc kinh doanh nhà hàng rất đơn giản. Trước đây, ông tôi không có việc làm khiến cả gia đình, đặc biệt là bà tôi gặp khó khăn về mặt tài chính”.
Cảm thấy cần làm gì đó khi chồng đang thất nghiệp và cả gia đình khó khăn, bà của Miura đã quyết định mở quán cơm nắm Onigiri Asakusa Yadoroku.
Trong đó, “Asakusa” là tên quận nơi có cửa hàng, nhưng “Roku” trong “Yadoroku” có nghĩa là “người vô dụng”.
“Vì vậy, tên của nhà hàng có nghĩa là ‘ngôi nhà của một kẻ vô dụng’”, Yosuke Miura chia sẻ thêm.
Bộ ba nguyên liệu tạo nên onigiri: Cơm, rong biển và nhân
Từ lâu, onigiri đã là món ăn vặt phổ biến được nhiều du khách lựa chọn và có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản. Onigiri thường có hình tam giác hoặc hình bầu dục, với với phần nhân phong phú, từ trứng cá tuyết và rau xanh cho đến những lát thịt bò nướng với sốt mayonnaise.
Miura chia sẻ: “Tôi nghĩ cơm nắm là món phổ biến nhất ở Nhật Bản, từ trẻ em đến người già đều có thể ăn. Có lẽ không có ai ở Nhật Bản mà chưa từng một lần ăn cơm nắm”.
Đặc biệt, Onigiri Asakusa Yadoroku là nhà hàng cơm nắm nổi tiếng đã thu hút vô vàn du khách trong và ngoài Nhật Bản ghé thăm. Nhà hàng này cũng được vinh danh trong Michelin Guide với tư cách là Nhà hàng Bib Gourmand (địa chỉ ăn uống “đáng đồng tiền bát gạo nhất” ở Tokyo), kể từ năm 2019.
Ông chủ của Onigiri Asakusa Yadoroku, Miura cho biết: “Có ba yếu tố chính tạo nên một món cơm nắm ngon là rong biển, gạo và các nguyên liệu khác”.
Mặc dù nhà hàng sử dụng gạo và các loại nhân bằng nguyên liệu địa phương từ khắp Nhật Bản, chẳng hạn như tôm sốt đậu nành, mận ngâm, cá hồi, trứng cá nhưng chỉ sử dụng một loại nori (rong biển) đến từ Tokyo.
Trong tất cả các nguyên liệu, gạo có ít hương vị nhất. Tuy nhiên, đây lại là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình người đầu bếp tạo ra món onigiri hoàn chỉnh.
Cứ vào tháng 9 và tháng 10 sau mùa thu hoạch lúa hàng năm, Miura lại thu thập gạo từ khắp đất nước để lấy mẫu. Sau đó, anh phải quyết định loại gạo sẽ được sử dụng làm nguyên liệu trong suốt thời gian còn lại của năm.
Miura cho biết đã phải lấy mẫu hơn 30 loại gạo khác nhau trước khi quyết định chọn gạo Koshihikari từ tỉnh Niigata vào năm 2023.
Vì không gian nhà hàng tương đối nhỏ với sức chứa khoảng 16 người, gồm hai bàn ăn và một quầy bar – nơi đầu bếp chế biến onigiri, nên thực khách ghé thăm sẽ phải đặt bàn từ sớm. Nhưng sau đó không cần phải chờ đợi lâu, chỉ vài phút sau khi gọi món, một chiếc giỏ tre với phần onigiri đầu tiên sẽ được phục vụ tới du khách ngay để đảm bảo rong biển luôn tươi và giòn.
Một tình yêu đích thực dành cho onigiri
Hiện onigiri là một trong những món ăn nhẹ phổ biến hàng đầu trên thế giới và được bày bán ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài việc dễ dàng mang theo, món cơm nắm thơm ngon này còn được yêu thích vì khả năng linh hoạt trong việc kết hợp các nguyên liệu.
Miura thường thử nghiệm các nguyên liệu đặc trưng từ những nền văn hóa ẩm thực khác nhau, anh thậm chí đã thêm phô mai, cà chua và dầu ô liu Ý vào món onigiri khi tham gia “Gian hàng Nhật Bản” tại Triển lãm Expo Milano năm 2015.
“Onigiri không bắt buộc phải có những nguyên liệu truyền thống, mọi người có thể tự thêm những nguyên liệu yêu thích vào, miễn là ăn ngon miệng”, anh nhấn mạnh. “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu mọi người ăn cơm nắm có những nguyên liệu phù hợp với văn hóa ẩm thực và sở thích riêng. Tôi không nghĩ cơm nắm nhất định phải có cá hồi hay cá ngừ với sốt mayonnaise”.
Là chủ sở hữu thế hệ thứ ba của nhà hàng nổi tiếng này, Miura cũng chia sẻ anh không điều hành Yadoroku chỉ vì nghĩa vụ với gia đình mà còn do niềm đam mê với onigiri từ khi còn nhỏ.
“Hồi còn học mẫu giáo và tiểu học, mỗi khi tan học, tôi đều ăn cơm nắm được chính tay bà tôi làm. Đó là một bữa ăn nhẹ tuyệt vời. Vì vậy, tôi tiếp tục duy trì nhà hàng bởi tình yêu với cơm nắm. Nếu từ đầu đã không thích onigiri thì có lẽ tôi đã từ chối thừa kế nhà hàng ngay lập tức”.
Đặc biệt, bên cạnh những lời khen từ Michelin, Onigiri Asakusa Yadoroku còn khiến nhiều du khách công nhận “chắc chắn mỗi phút chờ đợi ở đây đều đáng giá” và là “điểm đến hàng đầu dành cho các tín đồ yêu ẩm thực Nhật Bản”.
Theo Lao động