Giá bất động sản “trên trời”, chí phí cao ngất ngưởng cho việc sở hữu ô tô, dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân đắt đỏ – cùng nhiều yếu tố khác – đã giữ Singapore ở vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với tầng lớp siêu giàu năm 2024, theo một báo cáo vừa được công bố của ngân hàng chuyên phục vụ giới nhà giàu Julius Baer.
Nhà băng Thuỵ Sỹ này đã tiến hành phân tích giá của 20 hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ mà người giàu thường mua và sử dụng tại 25 thành phố, từ đó đưa ra một bảng xếp hạng.
Sinh hoạt phí để đảm bảo cuộc sống thượng lưu – gồm các chi phí cho xe hơi, rượu whisky, trang sức và nhà ở cao cấp – đã duy trì xu hướng tăng ở Singapore, Julius Baer cho biết trong báo cáo mang tên “Global Wealth and Lifestyle Report” (“Báo cáo Gia sản và phong cách sống Toàn cầu”) công bố ngày 26/6. Báo cáo cũng cho biết đảo quốc sư tử tiếp tục là một “thỏi nam châm” đối với tầng lớp siêu giàu nhờ sự ổn định kinh tế và chính trị.
“Chính phủ Singapore có nhiều nỗ lực trong việc làm cho đất nước trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp và người giàu trên toàn cầu, và tỷ giá đồng tiền của nước này cũng duy trì mạnh. Tất cả những yếu tố này được phản ánh vào việc Singapore giữ vị thế là thành phố đắt đỏ nhất thế giới”, báo cáo viết.
Chi phí sở hữu ô tô ở Singapore – vốn đắt nhất thế giới và cao gấp 2,5 lần mức bình quân toàn cầu – đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nếu tính bằng đồng USD. Chi phí giáo dục tư nhân cũng tăng khoảng 14%, giá giày dép và túi xách cao cấp của phụ nữ tăng 10%, giá bộ suit và đồng hồ của nam tăng hơn 5%.
Xếp sau Singapore là Hồng Kông, thành phố vượt qua Thượng Hải để trở thành nơi đắt đỏ thứ hai trên thế giới đối với người siêu giàu trong năm nay. Đặc biệt, đối với giới nhà giàu, Hồng Kông là nơi đắt nhất để thuê luật sư và đắt thứ hai thế giới để mua nhà.
Giá phòng khách sạn cao cấp tăng 22,9%; giá giày nữ tăng 12,7%; và giá túi xách nữ tăng 8,6% là những hàng hoá và dịch vụ của giới siêu giàu chứng kiến giá tăng mạnh nhất ở Hồng Kông trong 1 năm qua, theo báo cáo của Julius Baer.
London tăng một bậc trong xếp hạng năm nay, nhảy lên vị trí thứ 3, một phần do nền kinh tế Anh thoát khỏi trạng thái suy thoái kỹ thuật vào tháng trước, đồng bảng Anh tăng giá trong năm 2023, và nền kinh tế tiếp tục sự điều chỉnh sau giai đoạn bình thường hoá hậu Brexit – báo cáo cho biết.
Chi phí học trường công ở London là đắt nhất trên thế giới, và đã tăng 14% so với năm ngoái. Phòng khách sạn cao cấp và nữ trang cao cấp ở London đắt thứ hai trong số 25 thành phố được khảo sát, ghi nhận mức tăng tương ứng 38,3% và 17%.
Dưới đây là top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người giàu, theo Julius Baer:
1. Singapore
2. Hồng Kông
3. London
4. Thượng Hải
5. Monaco
6. Zurich
7. New York
8. Paris
9. Sao Paulo
10. Milan
Trong số 3 trung tâm tài chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã có 2 thành phố nằm trong top 10 nói trên. Tuy nhiên, Tokyo – thành phố vốn được coi là “hình mẫu của một thành phố siêu đắt đỏ” vào những năm 1990 – đã tụt 8 bậc xuống vị trí thứ 23 trong xếp hạng năm nay. Theo báo cáo, việc đồng yên Nhật mất giá mạnh đã khiến cho giá cả ở Tokyo bớt “chát” hơn so với trước.
Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã giảm giá hơn 12% so với đồng USD. Trong phiên ngày 26/6, tỷ giá yên so với USD giảm xuống mức gần 161 yên đổi 1 USD, thấp nhất 38 năm.
“Mọi người thường quên mất rằng sinh hoạt phí trông sẽ hoàn toàn khác qua con mắt của một người lạ, nhất là nếu người đó nghĩ bằng đồng USD hay franc Thuỵ Sỹ thay vì bằng đồng tiền bản địa. Đồng tiền và bối cảnh là những yếu tố quan trọng”, trưởng nghiên cứu của Julius Baer, ông Christian Gattiker, nói với hãng tin CNBC.
Theo Vneconomy